Giữa thủ đô Hà Nội đang hiện diện 2 công viên rừng Phúc Tân và Chương Dương nằm sát sông Hồng. Nơi đó có sân chơi, có vườn thuốc, có vườn rừng với những loại động thực vật tự nhiên.
Cộng đồng Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) là đơn vị chủ trì thực hiện dự án công viên rừng, với sự đồng hành của chính quyền và các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ. Trong 3 năm qua, đây là những điểm đến quen thuộc, thú vị của nhiều học sinh sinh viên Hà Nội. Bà Nguyễn Huệ Phương - Phó Giám đốc Quản lý các Chương trình Cộng đồng Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) cho rằng, Một trong những điều quan trọng nhất trong việc giáo dục về môi trường chính là thay đổi hành vi và tạo ra những hành vi mới lành mạnh cho học sinh. Thực hành và trải nghiệm tại những không gian xanh sẽ có tác động rất lớn đến nhận thức.
Bà Nguyễn Huệ Phương - Phó Giám đốc Quản lý các Chương trình Cộng đồng Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG)
* Xin bà cho biết, ý tưởng nào đã giúp Think Playgrounds hình thành, xây dựng Công viên rừng Chương Dương và Công viên rừng Phúc Tân?
Bà Nguyễn Huệ Phương: - Trước năm 2021, Think Playgrounds nhận thấy trong nội thành TP. Hà Nội, tình trạng ô nhiễm đang diễn ra trầm trọng, đặc biệt là khí thải từ các phương tiện giao thông, rác thải ùn ứ, chưa được xử lý cũng như không được thu gom đúng quy định,... đây được coi là nguyên nhân gây ô nhiễm lớn, tác động đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi thấy khu vực bờ vở (Chương Dương, Phúc Tân – Hoàn Kiếm, Hà Nội) có những bãi đất trống chưa được khai thác, là tiềm năng lớn để trở thành một “lá phổi xanh” của thành phố trong việc cung cấp oxy, tái tạo lại năng lượng và giúp các loài cây quý có “đất” để sinh trưởng, phát triển an toàn, cũng như các loài động vật quý hiếm có chỗ cư ngụ. Từ đó, Think Playgrounds cùng các đối tác chính quyền địa phương cũng như cộng đồng, đã thu thập các thông tin liên quan đến khu vực bờ vở ở phường Phúc Tân và phường Chương Dương, để tạo dựng ý tưởng đề xuất với quận Hoàn Kiếm trong việc xây dựng 2 Công viên này, giúp thực hiện mong muốn của địa phương và người dân, cải tạo những không gian đang bị ô nhiễm do chất thải, thành những không gian công cộng sinh động, phục vụ cho cộng đồng.
Theo đó, quận Hoàn Kiếm đã đồng ý triển khai thực hiện ý tưởng này và được đưa vào trong “Sáng kiến quản lý môi trường dựa vào cộng đồng”. Trong đó, Think Playgrounds hỗ trợ quận thiết kế bản quy hoạch tổng thể cho khu vực bờ vở thuộc phạm vi quận, kéo dài từ cầu Long Biên đến cầu Đất, và hình thành nên 2 Công viên rừng Chương Dương, Phúc Tân (Hoàn Kiếm).
Xuyên suốt thời gian thử nghiệm ý tưởng, cùng sự đồng hành của các bạn tình nguyện viên, cộng tác viên có tâm nguyện muốn đóng góp cho Thủ đô Hà Nội được xanh-sạch-đẹp và nhận được sự tài trợ từ chiến dịch HiGreen – Bình minh Xanh của Ngân hàng cổ phần Quân đội (MBBank), Đại sứ quán New Zealand và Đại sứ quán Đan Mạch,... Từ năm 2021, chúng tôi đã quyết định thử nghiệm mô hình đầu tiên là công viên rừng Chương Dương. Lúc đó, chỉ khoảng 200m2, gồm có những sân chơi nhỏ và một vườn cộng đồng. Nhờ những nỗ lực từ phía chính quyền địa phương cũng như cộng đồng, các bên đối tác,... Từ 200m2 đó, chúng tôi đã mở rộng được khuôn viên công viên rừng rộng gần 9000m2, với nhiều tiện ích, đặc biệt một trong những điều quan trọng được chúng tôi hướng đến ở khu vực này là: Tạo ra một không gian sinh thái, nhằm bảo tồn các loài cây bản địa, các loài cây quý và bảo tồn không gian cho các loài chim di cư, các loài động vật hiếm tại đây.
Cộng đồng cư dân dọn dẹp, xây dựng công viên rừng
Công viên rừng Chương Dương và Phúc Tân được xây dựng nằm trong “Sáng kiến quản lý môi trường dựa vào cộng đồng”. Vậy, việc “dựa vào cộng đồng” đã đạt hiệu quả như thế nào trong việc quản lý, bảo vệ công viên rừng, thưa bà?
Bà Nguyễn Huệ Phương: - Một trong những yếu tố tiên quyết nhất để thành công và đảm bảo tính bền vững chính là sự tham gia của cộng đồng. Think Playgrounds đã cùng các đơn vị mời cộng đồng tham gia ngay từ những hoạt động đầu tiên như: Khảo sát, thiết kế, cùng nhau xây dựng các kế hoạch để thực hiện và bảo trì công viên rừng.
Hiện nay, tất cả các Công viên rừng đều được quản lý bởi cộng đồng với các hoạt động thường xuyên hàng ngày và trong tuần. Hội Phụ nữ phường Phúc Tân và người dân là những người chăm lo cho công viên hàng ngày. Những việc làm này kết nối người dân với khu rừng, để họ có ý thức tự gìn giữ, bảo vệ. Các thành viên trong Hội Phụ nữ phường quét dọn, gây quỹ để tiếp tục cải tạo, phát triển công viên. Đó chính là những điều kiện tiên quyết để công viên được phát triển và tiếp tục tạo ra trách nhiệm của cộng đồng trong việc cùng nhau quản lý và giúp Công viên rừng phát huy thế mạnh của “lá phổi xanh Thủ đô Hà Nội” cũng như tạo ra được không gian mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Chính nhờ cộng đồng tích cực duy tu, bảo vệ môi trường, giữ gìn Công viên nên phần chi phí để quản lý công viên sẽ thấp, không tốn kém, có thể thay thế cho một bộ máy để duy trì. Đây chính là Sáng kiến dựa vào cộng đồng mà Think Playgrounds đang nỗ lực thực hiện.
Ngoài việc phục vụ người dân trên địa bàn, công viên rừng còn mở cửa cho học sinh đến tham quan. Những buổi tham quan như vậy mang đến ý nghĩa gì, cũng như có tính giáo dục về môi trường như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Huệ Phương: - Ngay từ khi bắt đầu xây dựng công viên rừng Chương Dương và công viên Phúc Tân, chúng tôi đã chia sẻ thông tin này đến các trường học tại Hà Nội. Công viên đón các em đến không chỉ tham quan mà còn có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động như trồng cây, dọn rác, làm sân chơi,... Từ những việc mà các em hỗ trợ cho cộng đồng, cùng tham gia với cộng đồng, sẽ giúp các em được biết thêm về một không gian rất mới và không gian rất khác biệt so với những gì các em đang có trong đô thị, và cho các em biết thêm về một “vùng xanh đô thị”.
Đồng thời, thông qua những việc làm cùng với cộng đồng, các bạn học sinh cũng có thêm những kỹ năng, những bài học…về huy động được sự tham gia của cộng đồng, trách nhiệm mang lại lợi ích cho cộng đồng chính nơi các bạn sinh sống.
Các buổi dọn dẹp tại Công viên Chương Dương, Phúc Tân cho các em học sinh, sinh viên cơ hội được trải nghiệm “làm việc” ngay ở Hà Nội, nơi các em sinh sống và học tập. Bởi, không chỉ có 1, 2 buổi các bạn đến đây, mà sau những buổi tham quan, làm việc cộng đồng, các bạn vẫn hoàn toàn có thể quay lại để thực hiện những hoạt động tiếp theo hỗ trợ cho cộng đồng phát triển. Và không chỉ học sinh Hà Nội, học sinh quốc tế cũng tìm đến Công viên rừng.
* Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Bà Nguyễn Huệ Phương: - Năm 2023, công viên rừng đón các học sinh trường Quốc tế Liên hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hanoi) – ngôi trường có học sinh từ hơn 60 quốc gia học tập. Các em học sinh đến cùng làm vườn, hỗ trợ kinh phí để mua cây cho Vườn Giác quan,.... (ý tưởng và kế hoạch thực hiện xây dựng công viên). Trong chuyến đi lần này có 2 hoạt động chính, là trải nghiệm đi thực tế xuyên suốt rừng Phúc Tân và sau đó, các em thực hiện báo cáo hành trình chuyến đi, đưa ra những suy nghĩ, trải nghiệm và đề xuất phương án cải thiện, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng trong việc xây dựng triển khai công viên rừng. Không chỉ được giáo dục về các kỹ năng, mà các em còn biết tìm hiểu thực tế các vấn đề về thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,...
Ngoài việc giáo dục môi trường thông qua những chuyến tham quan, dã ngoại cho các em học sinh, giáo dục môi trường còn được thể hiện qua việc xây dựng các mô hình vui chơi tại các công viên. Như Công viên rừng Chương Dương được xây dựng mô phỏng theo các câu chuyện về lịch sử Việt Nam, với mô hình như cầu trượt – leo trèo được tạo hình con rồng, liên quan đến hình ảnh cầu Long Biên; dòng sông Hồng, liên quan đến lịch sử của thành Thăng Long hay là loài chim Mai Hoa, một biểu tượng rất đặc trưng trong khu vực này cũng đều được mô phỏng tạo hình trong công viên. Những thiết kế đó dựa vào vùng đất, câu chuyện văn hoá, câu chuyện lịch sử để khuyến khích lòng tự hào dân tộc của trẻ em, những thế hệ mầm non tương lai đất nước,… giúp các em hiểu về văn hoá, hiểu về thiên nhiên và mang tính giáo dục cao.
Qua đó, Think Playgrounds có rất nhiều ý tưởng và mong muốn được hợp tác với các trường học. Một trong những điều quan trọng nhất trong việc giáo dục về môi trường chính là thay đổi hành vi và tạo ra những hành vi mới cho các bạn học sinh. Ngay ở trong những Nhà trường cũng nên có những không gian xanh, những nơi để các bạn có thể thực hành và trải nghiệm. Việc đưa các bạn ra ngoài xã hội, đưa các bạn đến những khu vực để các bạn có cơ hội tiếp cận với cộng đồng, tiếp cận với những không gian ngay trong đô thị sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức và nhận thức tốt hơn về vấn đề bảo vệ môi trường ngay chính nơi mình sinh sống và học tập.
Học sinh không chỉ tham quan mà còn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại Công viên rừng
* Xin bà chia sẻ thêm về việc sẽ duy trì những công viên rừng như thế này?
Bà Nguyễn Huệ Phương: - Đến thời điểm hiện tại, sân chơi thử nghiệm ở Phúc Tân được sự tham gia của rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên quốc tế, khách du lịch xuống để tham quan, trải nghiệm,… họ đều rất ngưỡng mộ và thích thú. Nếu các tour này được thực hiện nhiều hơn, cả chính quyền và cộng đồng càng cảm thấy cần bảo vệ rừng, từ đó không còn tình trạng xả rác hay phá hủy thiên nhiên nữa… Chính vì vậy, chúng tôi muốn đề xuất đưa hình thái này vào cách tiếp cận của thành phố khi hướng ra sông, để hạn chế tối đa những phần tác động, và làm mạnh những phần có thể cải thiện không gian, đặc biệt là phần gần khu dân cư.
Việc bảo tồn khu rừng này sẽ theo một hướng mở, vì khu vực này không phải rừng nguyên sinh. Do đó, cần bảo tồn linh hoạt, tức là những chỗ nào đã bị tác động nông nghiệp, chúng tôi sẽ tập huấn, hướng dẫn cho người dân và các em cách canh tác khôn ngoan, không sử dụng những chất độc hại… Như những khu vực bẫy chim, cần phải rất mạnh tay, tuyên truyền các em hiểu luật pháp không được săn bắt chim hoang dã.
Đồng thời, chúng tôi cũng tìm ra cách để người dân trong đô thị hứng thú với không gian này. Bởi vì nếu nó chỉ dành cho thiểu số mà không được cả cộng đồng dành quan tâm như một nơi mà người ta cảm thấy thuộc về, thì họ sẽ không có ý thức bảo vệ lâu dài. Và càng nhiều người biết đến, tiếp cận công viên với các hoạt động thường ngày như vận động ngoài trời, đi bộ,…, việc bảo vệ, quản lý sẽ dễ dàng hơn.
* Xin cảm ơn bà!
Hoài Thu (thực hiện)